LỊCH SỬ - VĂN HÓA
Không giống các hội khác, bắt nguồn từ việc khao quân đánh giặc của người Việt cổ bên bờ sông Đáy xưa, hội thổi cơm thi ở Đồng Vân diễn ra 5 năm một lần, vào ngày 15 tháng giêng âm lịch.
Khi tiếng trống hiệu vừa dứt, bốn thanh niên của bốn đội nhanh như sóc leo lên bốn cây chuối bôi mỡ để lấy nén hương cắm trên ngọn đem xuống, châm vào ba que diêm cho cháy thành ngọn lửa và bắt đầu thổi cơm. Đây là cách lấy lửa độc đáo trong hội thổi cơm thi ở làng Đồng Vân, xã Đồng Tháp, huyện Đan Phượng, Hà Nội.
Không câu nệ về trang phục cũng như cách thức chơi, hội thổi cơm thi Đồng Văn mỗi năm có một nét mới. Mỗi đội gồm 4 người, không phân biệt giới tính và tuổi tác. Các đội được hóa trang trong trang phục hiện đại lẫn cổ truyền để vừa trổ tài thổi cơm khéo léo, vừa chọc cười người xem hội.
Mỗi người mỗi việc: người vót những thanh tre già thành những chiếc đũa bông, người nhanh tay giã thóc, người giần sàng thành gạo...
Sau màn dâng hương, cúng vái thành hoàng làng, các đội sẽ tập trung tại một bãi đất bên đình. Khi tiếng trống khai hội vang lên, mỗi người trong đội sẽ chia nhau làm một việc: người đi lấy niêu (nay là nồi gang, nồi nhôm), người đi lấy giần sàng, người đi lấy lửa, lấy nước; người giã gạo; người vót tre thành sợi bông làm củi đun…
Người chơi trong trang phục hiện đại lẫn cổ truyền đi lấy nước, lấy củi…
Công việc cứ diễn ra như vậy trong tiếng gõ mõ, khua chiêng, gõ trống của các anh hề có nhiệm vụ phân tán tư tưởng của người chơi. Khi nồi cơm chín sẽ được ban giám khảo (gồm các bậc cao niên trong làng) chấm điểm. Nồi cơm ngon, dẻo, trắng, thơm và được nấu nhanh nhất sẽ giành giải nhất.
Các cụ cao niên sẽ có nhiệm vụ chấm điểm cho các nồi cơm của các đội